Thông thường trong một câu tiếng Đức, bên cạnh những thành phần câu quen thuộc như: tân ngữ trực tiếp (Akk) hay tân ngữ gián tiếp (Dativ) thì chúng ta còn gặp những thành phần khác ví dụ như các trạng từ, đóng vai trò bổ sung thêm ý nghĩa cho câu.
Trong tiếng Đức có những loại trạng từ nào?
- Temporale Angabe – Trạng từ chỉ thời gian (Wann/ Wie lange)
- Kausale Angabe – Trạng từ chỉ nguyên nhân (Warum)
- Modale Angabe – Trạng từ chỉ cách thức (Wie)
- Lokale Angabe – Trạng từ chỉ nơi chốn (Wo / Wohin / Woher)
Quy tắc TeKaMoLo trong tiếng Đức là gì?
Quy tắc TeKaMoLo chính là tên gọi theo tên viết tắt (hai chữ cái đầu) của bốn trạng từ kể trên. Trong một câu tiếng Đức thông thường, thứ tự xuất hiện của những trạng từ này cũng được sắp xếp theo tên gọi đó.
Ví dụ 1: Ich bin heute [Te] wegen des Staus [Ka] mit dem Fahrrad [Mo] zur Arbeit [Lo] gefahren.
Trong đó:
“Heute” là trạng từ chỉ thời gian. (Trả lời cho câu hỏi WANN >>> Hôm nay)
“Wegen des Staus” là trạng từ chỉ nguyên nhân (Trả lời cho câu hỏi WARUM? >>> Do bị tắc đường
“Mit dem Fahrrad” là trạng từ chỉ cách thức (Trả lời cho câu hỏi WIE >>> Bằng xe đạp
“zur Arbeit” là trạng từ chỉ nơi chốn (Trả lời cho câu hỏi WOHIN trong trường hợp này >>> đi đến chỗ làm)
Ví dụ 2: Das Auto musste gestern [Te] wegen eines Motorschadens [Ka] schnell [Mo] zur Werkstatt [Lo] gebracht werden.
Ví dụ 3: Herr Schulz muss den Ausflug am Montag [Te] aufgrund einer Geschäftsreise [Ka] verschieben.
Ví dụ 4: Ich fahre nach der Schule [Te] mit dem Fahrrad [Mo] ins Schwimmbad [Lo].
Ví dụ 5: Max läuft heute [Te] wegen seiner Fußverletzung [Ka] sehr langsam [Mo] zur Schule [Lo].
Lưu ý:
Ngoài ra, để nhấn mạnh một yếu tố nào đó trong câu, các bạn sẽ đặt phần cần nhấn mạnh lên đầu câu. Nhưng việc thay đổi vị trí của một trong những trạng từ này sẽ không khiến vị trí của các trạng từ còn lại thay đổi. Các trạng từ đó vẫn tuân theo thứ tự của nó.
Ví dụ:
Aufgrund des Platzregens [Ka] ist sie heute [Te] nass [Mo] zum Unterricht [Lo] erschienen.
Hoặc:
Am Wochenende [Te] lerne ich wegen meiner Prüfung [Ka] sehr intensiv [Mo] in der Bibliothek [Lo].
————————————-
(Quelle: mein-deutschbuch, deutschegrammatik20, sprachekulturkommunikation)